Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014
3 lựa chọn tuyệt vời để phát triển trí thông minh cho con
Từ những điều rất đơn giản trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ có thể tận dụng để kích thích, phát triển trí thông minh cho con từ khi còn nhỏ.
1. Trí tuệ cảm xúc: Trẻ sơ sinh - 18 tháng tuổi
Não tiếp nhận thông tin tốt nhất khi nó được thử thách với những thông tin mới, vấn đề mới. Một chương trình phát triển trí thông minh cho trẻ em tại Đại học Georgia, Hoa kỳ đã cho thấy trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể học các kĩ năng nhất định một cách dễ dàng trong suốt thời thơ ấu.
Trí tuệ cảm xúc có liên quan đến sự am hiểu về người khác. Theo dự đoán, trí tuệ cảm xúc chiếm khoảng 80% trong sự thành công nghề nghiệp. Những cảm xúc như sự đồng cảm, hạnh phúc, hy vọng và nỗi buồn được định hình bởi cách nuôi dưỡng trẻ sơ sinh của cha mẹ.
Khi trí tuệ cảm xúc phát triển tốt, bé sẽ có xu hướng hình thành các chuẩn mực đạo đức tốt cho chính bản thân mình. Mặc dù, trí tuệ cảm xúc sẽ tiếp tục phát triển đến khi bé trưởng thành, nhưng những trải nghiệm đầu đời của bé sẽ là nền tảng cho tương lai sau này.
Trí tuệ cảm xúc giúp bé thành công hơn khi trưởng thành. (Ảnh minh họa)
Dưới đây là một số phương pháp để nâng cao những kĩ năng cảm xúc đầu tiên cho bé:
- Tạo cho con một môi trường an toàn, thân thiện và phù hợp với bé.
- Luôn mỉm cười với bé.
- Dạy con cách bày tỏ những cảm xúc bằng lời.
- Bày tỏ sự đồng cảm, sẻ chia khi bé khó chịu.
- Chia sẻ với bé bằng cách hiểu tâm lý của con và sử dụng những ngôn từ ngọt ngào với bé.
- Giải thích lý do tại sao bạn không chấp nhận yêu cầu nào đó của bé.
- Cho bé tham gia giúp đỡ bạn làm việc nhà, chẳng hạn như phân loại quần áo cho vào máy giặt.
- Bày tỏ những ý kiến phản hồi tích cực đối với hành vi tốt của bé.
- Giải thích cho con hiểu những hành động của bé khi nào sẽ ảnh hưởng đến mọi người xung quanh và ảnh hưởng đó là như thế nào.
2. Ngôn ngữ thông minh: Trẻ sơ sinh - 10 tuổi
Từ khi chào đời bé đã có khả năng học bất kì một loại ngôn ngữ nào. Cha mẹ nên nói chuyện với bé ngay từ lúc mới sinh để bé được tiếp xúc sớm hơn, nhanh hơn và triệt để hơn các em bé khác.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng tiếp thu rất nhanh cấu trúc ngữ pháp của câu, điều mà người lớn khi học một ngôn ngữ mới không thế làm được.
Dưới đây là một số lời khuyên để giúp các mẹ phát triển khả năng ngôn ngữ thông minh cho con:
- Bắt đầu đọc sách hoặc truyện cho bé nghe ngay từ khi bé mới sinh.
- Nói chuyện với bé thật nhiều, luôn luôn đáp lại những tiếng bi bô của bé.
- Chỉ ra và giới thiệu tên gọi của những đồ vật xung quanh bé.
- Phát âm rõ ràng khi nói chuyện với bé, nếu bé phát âm sai hay nói ngọng bạn phải nói lại câu đúng ngay lập tức cho con nghe.
- Hãy để bé quan sát những việc làm thường ngày của bạn và giải thích cho bé bạn đang làm gì hay tại sao bạn lại làm công việc đó.
- Dạy bé hát thật nhiều bài hát.
- Chơi trò chơi ngôn ngữ với bé, chẳng hạn như cách đánh vần các từ hoặc tìm các từ liên quan đến một chủ đề nhất định.
- Xem xét và cân nhắc để dạy con một ngoại ngữ thứ hai ngay từ khi con còn bé.
3. Tư duy thông minh: Trẻ từ 1 – 5 tuổi
Dạy bé kỹ năng giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến thị giác, thính giác và xúc giác là vô cùng quan trọng. Có một điều thú vị là kỹ năng toán học của bé thường phát triển song song với những kỹ năng về âm nhạc. Bằng cách kích thích các giác quan, bé của bạn có thể phát triển mạnh các kỹ năng tư duy và giải quyết vấn đề.
Dưới đây là một số cách hữu ích giúp các mẹ phát triển tư duy cho con:
- Dạy bé học các loại hình khối và màu sắc. Trong quá trình dạy mẹ hãy để bé nhìn thật kĩ và đưa các loại hình khối cho bé cầm để bé quan sát kĩ hơn.
- Cho bé tiếp xúc với âm nhạc cổ điển ngay từ khi mới sinh ra thậm chí là từ khi ở trong bụng mẹ.
- Lắp một tấm gương ở trong nôi của bé. Điều này sẽ giúp bé quan sát được chính những biểu hiện trên khuôn mặt mình, từ đó phát triển khả năng quan sát và tư duy của bé.
- Thường xuyên cho bé đi dạo hoặc đi chơi để bé có thể quan sát mọi thứ mới mẻ xung quanh và phân tích chúng.
- Nên cho bé chơi các loại đồ chơi lắp ghép.
- Cùng bé chơi trò đếm số hoặc đố vui.
0 nhận xét
Posts a comment