• FEATURED POSTS
  • LATEST POSTS
  • SERVICES

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

Giải mã 4 hành vi khó hiểu của bé lên 2 (P1)

Trên 2 tuổi, bé bắt đầu xuất hiện những hành vi bí ẩn để che giấu cảm xúc thực sự bên trong. Cha mẹ nên tìm hiểu để biết cách ứng xử phù hợp với bé.

1. Bé không nhìn thẳng vào mắt bạn

Nghĩa là: “Con đang bối rối lắm”.

Bé dưới 2 tuổi có xu hướng nhìn chăm chăm vào mặt và thích thú quan sát cử động miệng từ người đối diện. Trên 2 tuổi, bé bắt đầu hình thành mạnh mẽ những cảm xúc riêng như xấu hổ, rụt rè hoặc mạnh dạn. Khi bé bị mắc lỗi và nhận thấy bạn đang giận dữ, bé sẽ từ chối nhìn thẳng vào bạn để tránh sự thất vọng.

Ứng xử dành cho cha mẹ: Bạn nên hỏi bé những câu ngắn gọn và đơn giản như: “Con vừa xé quyển sách này à?” hoặc “Con làm vỡ cốc uống nước phải không?”. Sau đó, bạn nên bình tĩnh lắng nghe bé trình bày sự việc. Cuối cùng, bạn có thể hướng dẫn bé giải quyết hậu quả.

2. Bé mang nhiều đồ chơi lên giường ngủ

Nghĩa là: “Con đang sợ lắm, mẹ ạ”.

Khoảng thời gian đầu mới ngủ riêng, các bé thích để nhiều món đồ chơi bằng bông trên giường để ngủ ngon mỗi tối. Ngoài ra, ở độ tuổi này, bé cũng có xu hướng thích làm quen với những người bạn tưởng tượng. Bé có thể gặp nhiều cơn ác mộng và đã hình thành nỗi sợ vô hình về ma quỷ. Vì vậy, giữ những món đồ chơi thân thuộc bên mình sẽ khiến bé có cảm giác an toàn nếu chẳng may bé tỉnh giấc giữa đêm.


Ảnh minh họa

Hướng dẫn dành cho cha mẹ: Mặc dù bạn biết rõ ma quỷ là điều ảo tưởng trong giấc ngủ của bé nhưng cũng không nên mắng bé: “Con chỉ vớ vẩn, có gì mà phải sợ”. Bé sẽ tin rằng bạn không thể nhìn thấy ma quỷ nhưng bé thì có khả năng này. Bạn nên để cho bé mang theo bất kỳ món đồ chơi nào lên giường. Trấn an bé rằng, đây là nhà mình nên sẽ rất an toàn, hơn nữa bạn sẽ xuất hiện ngay khi bé cần giúp đỡ.

3. Bé nép sau lưng bạn khi gặp người lạ

Nghĩa là: “Con thấy lo lắng”.

E dè trước người lạ là tâm lý phòng thủ thường thấy ở bé. Bé sẽ băn khoăn với rất nhiều câu hỏi khác nhau trong đầu: “Đây là ai thế? Mình có quen không? Trông người này không thân thiện mấy…” và phản ứng bằng cách trốn sau người bạn.



Hướng dẫn dành cho cha mẹ: Nếu bé luôn có hành vi này khi gặp người lạ, bạn nên giúp bé thư giãn bằng cách mỉm cười, chào hỏi người lạ trước và gợi ý để bé làm theo. Nếu bé thấy không khí xung quanh có vẻ thân thiện, ấm áp, bé sẽ không còn sợ sệt và muốn bám chặt lấy bạn nữa.

4. Bé giấu chiếc quần ướt do tè dầm dưới đệm

Nghĩa là: “Con chỉ muốn đây là điều bí mật thôi”.

Bé sợ khi bị bạn phát hiện ra lỗi tè dầm, bạn sẽ cười chê. Hơn nữa, bé cũng muốn chứng tỏ bản thân đã trưởng thành nên muốn giữ kín điều xấu hổ này. Cái tôi muốn làm người lớn đã khiến bé ngại và sợ bị người khác phát hiện.


Ảnh minh họa

Hướng dẫn dành cho cha mẹ: Chia sẻ với bé khi bạn phát hiện ra bí mật. Nhấn mạnh với bé rằng, điều này cũng bình thường và bé nên để quần bẩn vào nhà tắm thay vì giấu dưới đệm. Ngoài ra, bạn cũng nên tìm những cách khắc phục chứng tè dầm này ở bé như giúp bé đi vệ sinh trước giờ ngủ hoặc để một chiếc bô nhỏ trong phòng để bé tè lúc nửa đêm.

0 nhận xét

Posts a comment

 
© 2011 Mẹ và bé | Sức Khỏe mẹ và bé | Chuyện Bầu Bí
Designed by Blog Thiết Kế Share on: Download Blogger Template
Back to top