• FEATURED POSTS
  • LATEST POSTS
  • SERVICES

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Tuần thai 38: bé đang đợi chào đời

Đây là tuần cuối cùng trong chu kỳ mang thai bình thường. Bạn đã rất vất vả và cực nhọc rồi, bây giờ chỉ còn cảm xúc mong ngóng, hồi hộp được chạm vào bé yêu thôi.

Sự phát triển của bé


Bé vẫn tiếp tục nuốt nước ối. Các chất trong nước ối sẽ được chuyển hóa và giữ lại ở ruột, tạo thành lớp phân su màu đen dính. Bé lúc này nặng gần 3,1kg và đã dài tới 50cm tính từ đầu tới chân.

Nhiều bé lúc này đã có tóc và tóc dài khoảng 2,5cm. Lông và các chất gây đã bao phủ cơ thể bé từ tuần thứ 26. Tuần này, lớp lông tơ và lớp gây (giống như phô mai) bao bọc cơ thể bé nhằm bảo vệ làn da mỏng manh của thai nhi trong môi trường nước ối đang dần dần biến mất và chỉ có số ít trẻ vẫn còn lông tơ và gây khi chào đời.



Bé tiếp tục phát triển và các chức năng cũng như bộ khung đã hoàn thiện trừ não bộ, phổi. Hai cơ quan này sẽ tiếp tục hoàn thiện cho tới khi bé chào đời và tiếp tục phát triển trong thời thơ ấu của bé.

Lớp mỡ vẫn đang dày hơn trên người bé, nhưng sự phát triển bắt đầu chững lại. Màu mắt của bé sau khi sinh ra chưa hẳn đã giữ nguyên mà có thể thay đổi trong vòng 1 năm sau khi bé chào đời, đó là do các sắc tố màu trong mắt bé vẫn tiếp tục phát triển.

Sự thay đổi trong cơ thể bạn

Lúc này tuy bạn đã ngừng tăng cân, một số phụ nữ còn giảm cân nhưng lại có cảm giác rất khó chịu, thậm chí còn có cảm giác đặc biệt rằng bé đang sắp chui ra khỏi bụng mình đến nơi. Bé đã di chuyển xuống sát vùng xương chậu của bạn, nên bàng quang bị chèn ép ghê gớm, bạn thường xuyên phải đi tiểu.

Khoảng cách giữa tử cung và khớp dính bây giờ khoảng 36 – 38 cm. Khoảng cách từ rốn đến đỉnh tử cung khoảng 16 – 18 cm.



Bạn có thể bắt đầu trải qua hiện tượng sưng tấy ở chân – một hiện tượng bình thường của phụ nữ cuối thai kỳ. Tuy nhiên, nếu điều này xảy ra ở mặt, tay hoặc ở chân một cách nghiêm trọng thì bạn nên đi khám ngay. Đây là một dấu hiệu của hội chứng tăng huyết áp bất thường ở phụ nữ mang thai (PIH), còn có tên gọi khác là preeclampsia hoặc toxemia.

Hai tuần chờ đến ngày sinh đẻ giống như bạn tham gia vào trò chơi chờ đợi, tuy lo lắng, hồi hộp nhưng cũng rất vui và thú vị. Bạn sẽ có những ngày cuối cùng tận hưởng giây phút an nhàn, nghỉ ngơi thư giãn trước khi chính thức bước chân vào cuộc sống bận rộn chăm sóc bé. Vì thế, hãy ăn uống và nghỉ ngơi thật nhiều.

Nên và không nên làm gì trong giai đoạn này

Ở bệnh viện không thể có đầy đủ những thứ bạn cần nên hãy kiểm tra lại danh sách những thứ cần mang như quần áo bé mặc sau sinh và khi trở về nhà… Đừng quên mang quần áo cá nhân chuẩn bị cho chuyến đi từ bệnh viện về nhà đấy nhé. Bạn cũng sẽ cần 1 số thứ như quần dải rút hay áo bó chẽn do vòng bụng đã có sự thay đổi sau sinh.

Cũng trong thời gian chờ đợi này, bạn có thể mua một vài cuốn sách hướng dẫn chăm sóc bé trong năm đầu đời hay một số món đồ chơi dành riêng cho trẻ sơ sinh.

Về chế độ dinh dưỡng, thời điểm này có thể bạn cảm thấy không muốn ăn lắm, nhưng việc duy trì chế độ ăn uống đầy đủ vẫn rất quan trọng. Bạn có thể ăn vặt. Thay vì ăn các bữa chính, hãy chia thành nhiều bữa ăn vặt nhỏ trong ngày để duy trì năng lượng và tránh bị ợ nóng.

0 nhận xét

Posts a comment

 
© 2011 Mẹ và bé | Sức Khỏe mẹ và bé | Chuyện Bầu Bí
Designed by Blog Thiết Kế Share on: Download Blogger Template
Back to top