Bạn đã bước vào giai đoạn thứ 3, cũng là giai đoạn cuối cùng của thai kỳ. Hệ miễn dịch của em bé lúc này đã được hình thành. Bé có thể mở mắt và quay đầu ra phía có nguồn sáng phát ra liên tục. Bé cũng nghe rõ những điều bạn nói, vì thế hãy cho bé nghe nhạc, đọc sách cho bé nghe để thêm gắn kết tình cảm và rèn luyện thính giác cho bé.
Các móng tay, chân đang mọc và lớp mỡ dưới da bắt đầu hình thành, chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình bé rời khỏi bụng mẹ. Vào tuần này, bé nặng hơn 1,1kg và “cao” khoảng gần 39cm. Cho đến khi ra đời, bé có thể tăng gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba trọng lượng.
Ở tuần thai này bé trông như 1 em bé đủ tháng. Bé tròn trịa ra một cách đáng yêu. Bề mặt của da mịn màng và xanh hơn vì chất béo bắt đầu phát triển. Chất béo này là yếu tố quan trọng giúp bé giữ ấm cơ thể. Bé cũng bắt đầu có lông mi và có thể chớp mắt nữa đấy.
Tuần này đánh dấu một sự kiện quan trọng cho sự phát triển não bộ của bé: não đã phát triển đến mức nó có thể giúp cơ thể điều hoà thân nhiệt. Dĩ nhiên, bé chưa thể tự làm điều đó một mình, bé vẫn cần độ ấm của cơ thể mẹ để giúp bé ấm áp cho đến khi chào đời.
Bé cũng tiếp tục phát triển tế bào thần kinh trong não bộ. Ngay giây phút bé chào đời thì trong não đã có hàng trăm tỷ tế bào thần kinh. Nghe có vẻ nhiều nhưng bé cần dự trữ vì não sẽ không sản sinh chúng nữa sau khi sinh.
Nhau thai tròn và bằng phẳng như một chiếc bánh giúp cung cấp ôxy và chất dinh dưỡng cho bé cũng tiếp tục lớn hơn. Em bé của bạn có thể đã quay đầu (ngôi thuận) để chuẩn bị cho việc sinh nở. Ngay cả nếu bé vẫn đang ở ngôi mông (ngôi ngược) thì bé vẫn còn thời gian để xoay lại.
Sự thay đổi trong cơ thể bạn
Bạn đã chính thức bước vào thời kỳ nghỉ ngơi. Giai đoạn thứ 3 của thai kỳ bắt đầu từ tuần thứ 29 và kết thúc ở tuần 40 và có thể lâu hơn thế. Có một rắc rối trong thời kỳ này là thai nhi đã lớn và chèn ép bàng quang cho nên bạn có thể phải ghé thăm nhà vệ sinh nhiều hơn trước.
Tổng trọng lượng tăng lên của bạn cho tới lúc này có thể vào khoảng từ 8 – 11 kg. Bạn có thể đi khám thường xuyên hơn từ bây giờ và đừng đợi cho tới khi thấy có bất thường nào đó mới nhớ tới bác sĩ.
Một trong những tác dụng phụ của việc mang thai đó là sẽ khiến chân bạn bị phù, có nhiều người chân thậm chí còn to gấp đôi kích thước bình thường. Không những thế, một số bộ phận khác trên cơ thể cũng bị phù, rạn,… khiến bạn khá khó chịu.
Nhưng không cần phải quá lo lắng, bởi những thay đổi này sẽ hoàn toàn biến mất sau khi bạn sinh con.
Nếu bạn cho rằng việc sử dụng các loại dầu, kem… sẽ làm giảm nguy cơ bị rạn da ở bụng, bắp đùi, ngực thì bạn sẽ sớm nhận ra chúng không đem lại tác dụng gì nhiều đâu. Nhiều bác sỹ cho rằng, dấu hiệu căng da là kết quả bình thường của việc thai nhi phát triển, làn da mất đi độ đàn hồi cần có, nhưng may mắn là theo thời gian, các vết rạn sẽ trắng dần với màu da.
Bạn bất ngờ thức dậy với cơn chuột rút vào ban đêm? Chuột rút là là chuyện phổ biến trong thai kỳ, mặc dù không phải tất cả phụ nữ đều bị như vậy. Các chuyên gia cũng không xác định chính xác nguyên nhân. Một số người cho rằng do trọng lượng của chân tăng lên, trong khi những người khác nghĩ rằng nó báo hiệu sự thiếu hụt canxi hoặc kali trong cơ thể, hoặc là do áp lực của tử cung đè lên các dây thần kinh dẫn đến chân.
Nếu bạn bị chuột rút, hãy duỗi chân nhẹ nhàng, bẻ bàn chân cong vào kéo những ngón chân về phía bạn. Tập co duỗi chân sẽ đem lại cho bạn những hiệu quả đáng kể. Hãy chắc chắn rằng bạn ăn đủ các loại thực phẩm giàu canxi (tốt nhất là các sản phẩm sữa), cũng như chứa nhiều kali như chuối nhé!
Nên và không nên làm gì trong giai đoạn này?
Lúc này, để đáp ứng cùng với sự phát triển của bé, bạn hãy bổ sung thêm vitamin C, protein, axit folic và sắt. Bạn có thể ăn pho mát, sữa chua, hoặc nước cam để làm giàu lượng canxi, vitamin trong cơ thể.
Trong tam cá nguyệt này, khi mẹ ăn, bé sẽ hấp thụ được khoảng 250mg canxi trong cơ thể mẹ để giúp cho bộ xương của bé cứng cáp mỗi ngày.
Bạn nên có một kế hoạch tốt để chuẩn bị cho những tháng ngày sắp tới khi đón em bé chào đời. Chú ý tới sự vận động, chế độ ăn uống của bản thân để giúp cho sự phát triển đều đặn của thai nhi.
Một loại chất béo “tốt” khác rất cần được bổ sung trong giai đoạn này được gọi là docosahexaenoic acid (DHA), giúp tế bào não và thần kinh phát triển. DHA có thể được tìm thấy trong hạt lanh, dầu hạt cải, quả óc chó và trong các loại cá béo như cá hồi.
Hãy đổi những món uống thường dùng như trà, sữa thành nước khoáng và nước tinh khiết.
Đừng nằm ngay sau khi ăn, ít nhất là 1 - 2 giờ sau bữa ăn mới nên nằm nghỉ, như thế sẽ giúp cải thiện chứng táo bón thai kỳ. Khi ngủ bạn nên tìm một chiếc gối để gác chân thì mẹ sẽ dễ đi vào giấc ngủ hơn.
Vào thời điểm này, có một số mẹ bầu đang nảy sinh ý nghĩ muốn mang thai mãi vì cảm thấy sợ khi nghĩ đến lúc sinh nở. Hãy trò chuyện với các bà mẹ có kinh nghiệm khác để cảm thấy an tâm hơn.
Đây cũng là lúc bạn nên đến bệnh viện nơi mình định sinh con để tìm hiểu rõ hơn về nơi mình chọn cho con chào đời. Môt lớp học tiền sản cũng tốt cho thai phụ trong thời điểm này. Bạn cũng có thể đọc một cuốn sách về sinh nở để chuẩn bị tinh thần tốt hơn
0 nhận xét
Posts a comment