Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013
Tuần thai thứ 16: Bé đã biết...nhíu mày
Ở tuần thai này, bé đã biết biểu lộ một số cảm xúc trên gương mặt, thậm chí bé còn nhíu mày.
Sự phát triển của em bé
Nét mới nhất của tuần này là sự nhạy cảm với ánh sáng và bé bắt đầu nấc cụt liên tục, một dấu hiệu cho thấy khả năng hít thở của bé. Bạn không thể nghe thấy những tiếng động đó bởi vì khí quản của bé lúc này toàn chất lỏng chứ chưa phải là khí.
Tuần này bé nặng khoảng 100 – 130gram và dài khoảng 110 - 135mm (tương đương kích thước của một quả lê). Hai tai bé đã dịch từ cổ về đúng vị trí trên đầu. Chân bé đang dài hơn so với tay, các móng tay đã hình thành đầy đủ và tất cả các cơ, khớp đã có thể vận động.
Tổng số tế bào thần kinh của bé lúc này cũng tương đương số tế bào thần kinh của người trưởng thành. Hệ tuần hoàn máu và cơ quan đường tiết liệu của bé đã hoạt động. Cứ 30 - 45 phút bé lại đi tiểu một lần.
Mặc dù mí mắt khép, nhưng mắt bé vẫn chuyển động qua lại. Bé cũng có thể biểu lộ một số cảm xúc trên gương mặt, thậm chí bé còn nhíu mày. Những chuyển động của bé trong bụng bạn rất nhẹ, chỉ như cảm giác một cái quẫy đuôi của cá và bạn sẽ khó mà phân biệt được (nếu bạn mang thai lần đầu).
Sự thay đổi của cơ thể bạn
Một trong những thời điểm thú vị nhất của giai đoạn mang thai đang rất gần: đó là cảm nhận được sự có mặt của bé yêu qua những lần “máy bụng” đầu tiên. Bạn có thể cảm nhận những cử động đầu tiên này giống như là có ai đó vỗ nhẹ vào bụng bạn. Hầu hết các bà mẹ đều cảm nhận được điều này trong khoảng thời gian từ tuần thứ 16 đến tuần thứ 20. Nếu bé của bạn vẫn quá “ngoan ngoãn” ở thời điểm này thì cũng đừng quá lo lắng nhé! Thời gian cho mỗi thai phụ là khác nhau.
Hệ miễn dịch của bạn lúc này sẽ có chút thay đổi dù không đáng kể. Vì thế, bạn nên lưu ý rằng bạn có thể dễ bị ho và cảm lạnh hơn lúc bình thường. Việc gia tăng sắc tố da sẽ làm cho các nốt ruồi, tàn nhang và núm vú của bạn sậm màu hơn. Tim bạn hoạt động với nhịp độ tăng gấp đôi để đáp ứng đủ lượng máu cung cấp cho cơ thể và thai nhi. Tử cung của bạn cũng phát triển nhanh do sự tăng trưởng của bào thai.
Bạn thấy khỏe hơn trong thời gian này, cảm giác phấn chấn và thích thú cũng gia tăng. Bạn cũng sẽ ăn ngon miệng hơn. Kể từ đây cho đến tuần 24, bạn sẽ tăng cân đáng kể, từ 5 – 7 kg, chiếm 50 – 60% tổng số tăng trọng của toàn bộ thai kỳ.
Nên và không nên làm gì trong giai đoạn này?
Huyết áp của bạn ở thời điểm này hạ thấp hoặc ở mức bình thường, cũng có thể gây ra những cơn choáng hoặc hoa mắt. Hầu hết tất cả các thai phụ đều phải trải nghiệm triệu chứng không mong đợi này. Hãy gọi cho bác sĩ nếu tình trạng trên diễn tiến nghiêm trọng.
Tâm trạng của bạn ở thời điểm này sẽ cảm thấy chán nản, thất vọng một chút, điều này cũng là do biến đổi hooc - mon thai kỳ. Bạn cần tập thể dục, thư giãn, loại bỏ stress, hay chia sẻ với bố của bé để cảm thấy thoải mái hơn.
Tuần thai thứ 16 là một bước ngoặt, các thai phụ không nên nằm ngửa trong khi nằm nghỉ hoặc nằm ngủ, hay đơn giản là nằm nghỉ trên sàn nhà khi luyện tập hoặc thư giãn. Lý do vì tư thế này sẽ tạo nhiều áp lực lên động mạch chủ và tĩnh mạch chủ khiến cho lượng máu lưu thông đến thai nhi ít hơn. Lượng máu lưu thông truyền từ mẹ sang con có thể cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển và lớn lên của thai nhi. Không nên đặt sức khỏe của con bạn vào sự nguy hiểm bằng việc quên đi hoạt động mang tính quan trọng này. Các bà mẹ có thể sử dụng gối để hỗ trợ cơ thể khi ngủ một cách thoải mái và dễ chịu hơn.
0 nhận xét
Posts a comment