• FEATURED POSTS
  • LATEST POSTS
  • SERVICES

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

Tuần thai thứ 7: Mẹ có thể nghe được nhịp tim của bé

Ở tuần thai này, khi đi siêu âm, bác sỹ cũng đã có thể cho bạn biết một điều hết sức kì diệu, đó là: đã nghe thấy nhịp tim em bé trong bụng bạn đập.

Sự phát triển của thai nhi

Tính đến thời điểm này, thai nhi đã có sự phát triển đáng kể. Thời gian đầu của tuần thứ 7, chiều dài từ đầu đến mông của bé ước khoảng 4 – 5mm. Đến cuối tuần thai thứ 7, phôi thai sẽ tăng gấp đôi chiều dài của nó, ngày càng tăng từ khoảng 4 - 5mm đến 11 - 13mm, cân nặng khoảng 0,8 gram. Kích thước của bé bây giờ bằng quả mâm xôi.

Chồi của chân bắt đầu xuất hiện, nó giống như một vây cá nhỏ, ngắn. Chồi của tay dài hơn một chút và đã phân chia thành phần bàn tay và cánh tay. Chân và tay đã hình thành nên các hình bẹt mà sau này các ngón chân, ngón tay sẽ thay thế.
Hệ thống ruột cũng bắt đầu hình thành, ruột thừa cũng đã xuất hiện. Tuyến tụy, nơi sau này sẽ sản sinh ra các hóc môn insulin cũng đã hình thành. Một phần ruột phồng lên bên trong dây rốn. Sau này, sự phát triển của con bạn sẽ tập trung vào phần bụng. Tim lớn dần lên trong cơ thể bé và bắt đầu phân chia thành hai buồng tim: trái và phải. Nhịp đập là 150 lần/phút (nhanh gấp 2 so với nhịp tim của người lớn). Cuống phổi đã xuất hiện bên trong phổi, đây chính là bộ phận dẫn khí vào bên trong phổi. Đầu không cân đối so với phần còn lại của cơ thể, các đốm sậm màu đánh dấu vị trí của mắt và lỗ mũi. Não trước đã chia thành hai phần hình thành bán cầu não của não bộ, nơi có khoảng 100 tế bào thần kinh được tạo ra mỗi phút.




Những thay đổi của cơ thể mẹ

Nhìn bề ngoài, cơ thể bạn chưa có nhiều thay đổi. Mọi người gần như chưa thể nhận thấy bất cứ dấu hiệu nào về sự thay đổi mạnh mẽ đang diễn ra bên trong bạn trong khi cảm giác mệt mỏi, buồn nôn bắt đầu gia tăng và bạn có thể cảm nhận được. Tuy nhiên, đến thời điểm này bạn sẽ tăng cân một chút. Nhưng, nếu bạn không tăng cân hoặc có thể giảm cân thì cũng đừng quá lo lắng, vì đó là hiện tượng bình thường.

Để xoa dịu cảm giác buồn nôn, bạn có thể nghỉ ngơi và nhờ bạn đời giúp đỡ việc nhà trong khi bầu bí. Nếu tình trạng ốm nghén trở nên gay gắt (nôn tất tật mọi thứ được đưa vào) thì cần tới gặp bác sĩ ngay. Những lớp học tiền sản sẽ hỗ trợ rất lớn cho các mẹ mới sinh con lần đầu.

Ở giai đoạn đầu thai kỳ này, giấc ngủ đôi khi có thể bị gián đoạn. Đó có thể là do sự lớn lên của tử cung đã gia tăng áp lực lên bàng quang khiến bạn phải vào nhà vệ sinh liên tục hoặc có thể là cảm giác căng tức ngực.

Nên và không nên làm gì trong giai đoạn này?

Khi thèm ăn vặt, hãy cố gắng thỏa mãn các cơn thèm ăn của mình nhưng tránh ăn quá nhiều các thực phẩm chế biến sẵn. Thay vào đó, hãy chọn các loại tốt cho sức khỏe như dưa chuột, ngũ cốc, cà rốt, bánh mỳ làm từ lúa mỳ nguyên cám, dưa hấu và xoài. Ăn tươi chắc chắn là tốt nhất rồi nhưng nếu bạn thích các đồ ăn sẵn thì sao? Hãy xem kỹ hạn sử dụng, ngày sản xuất và giá trị dinh dưỡng trên sản phẩm. Cũng nên kiểm tra thành phần vì có thể có những chất không tốt cho thai phụ như các chất bảo quản. Biểu hiện rõ nhất là gây đau đầu, buồn nôn còn ảnh hưởng lên thai nhi thì chưa rõ ràng.

Nếu bạn luôn cảm thấy “mất cảm tình” với các món ăn vào buổi sáng thì hãy bổ sung dinh dưỡng của bữa sáng vào buổi tối. Có một mẹo nhỏ dành cho bạn, đó là hãy dùng vitamin bổ sung đặc biệt, thêm thành phần vitamin B12 và axít folic để hỗ trợ cho sự phát triển hệ thần kinh của con bạn, phòng chống các dị tật ở ống thần kinh. Các vitamin bổ sung đặc biệt B6 cũng giúp bạn đỡ nghén hơn.

Bạn nên lựa chọn kỹ một bác sỹ sản khoa và trung thành với người đó trong suốt thai kỳ bởi bạn không thể đáp ứng mọi yêu cầu của mỗi bác sỹ sản khoa mỗi lần thay đổi. Sự trung thành này còn giúp bác sỹ nắm bắt được tình trạng của bạn một cách cụ thể và rõ nét hơn.

Thăm khám bác sỹ

Tuần này, bạn có thể sẽ có kỳ kiểm tra sức khỏe trước sinh đầu tiên với bác sỹ sản khoa, họ sẽ thảo luận về tiền sử bệnh tật và những lần mang thai trước đây, các bệnh rối loạn di truyền hay bắt đầu lập biểu đồ tăng cân của bạn.
Bạn cũng cần phải xét nghiệm máu để xác định bệnh lây truyền qua đường tình dục, khả năng miễn dịch rubella... và công thức máu đầy đủ để xem có bị thiếu máu hay không. Bạn cũng có thể khám phụ khoa hay siêu âm đầu dò âm đạo, chúng có tác dụng kiểm tra phôi thai và bạn nên yên tâm vì chúng an toàn và không đau. Đây là cơ hội để bạn được giải đáp bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến mang thai thông qua bác sỹ. Vì thế hãy chuẩn bị trước các danh sách và mang nó theo bạn, tránh trường hợp bạn bị phân tâm hay quên mất.




Mua sắm

Ngoài chú ý về chất liệu, kích cỡ, bạn cũng nên cân nhắc về thời điểm thai phát triển nhanh. Ví dụ như mùa hè hay mùa đông để bạn có sự lựa chọn đúng đắn. Nghĩ xa một chút sẽ giúp bạn tiết kiệm nhiều mà cũng chủ động hơn trong nhiều tình huống đấy!

Tập thể dục

Thời điểm này bạn có thể chuyển lớp học thể dục phù hợp nếu cảm thấy quá sức. Bạn có thể giảm cường độ các bài tập bạn đang rèn luyện hằng ngày. Nhưng tốt nhất là nên hỏi giáo viên hướng dẫn tập và tham khảo các hình thức tập luyện khác phù hợp hơn.

Bạn sẽ phải chú ý nhiều hơn đến các động tác tác động vào vùng mông, lưng và vai. Vì chúng sẽ được tăng cường cho nhu cầu sinh con. Ngoài ra còn giúp chuẩn bị “cơ bắp” cho bạn thích nghi với những hoạt động sau sinh như mang một túi tã lớn, đẩy xe đẩy và mang theo một em bé…

Với chồng

Bạn có thể yêu cầu chồng của mình giữ danh sách các hoạt động hay thăm khám cần thiết và nhờ anh ấy nhắc nhở trong trường hợp bạn quên mất. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào đặt ra cho bác sỹ của bạn trong các lần khám thai, điều này đặc biệt có lợi nếu như chồng bạn đi cùng với bạn trong các lần hẹn để cùng nắm bắt và thực hiện những điều cần lưu ý.

"Chuyện ấy" không hề có hại đối với một thai kỳ khỏe mạnh, thường thì các cặp vợ chồng vẫn có thể duy trì tần suất quan hệ tình dục như trước kia. Nếu bạn vẫn còn lo lắng, hãy trao đổi với bác sỹ trong các lần đi khám.

0 nhận xét

Posts a comment

 
© 2011 Mẹ và bé | Sức Khỏe mẹ và bé | Chuyện Bầu Bí
Designed by Blog Thiết Kế Share on: Download Blogger Template
Back to top