Giai đoạn này, khả năng nghe của bé đã phát triển đầy đủ, vì thế các bà mẹ nên dành nhiều thời gian để trò chuyện cùng con.
Sự phát triển của em bé
Thời điểm này, cơ thể bé đã phát triển dài khoảng 46,2 cm và nặng khoảng 2,2kg. Do chiều dài và cân nặng của bé đã vừa vặn trong tử cung nên bé không còn nhiều chỗ trống để nhào lộn nữa nhưng số lần bé đạp vẫn khá nhiều.
Thận của bé đã phát triển đầy đủ và gan có thể xử lý một số chất thải. Hộp sọ của bé vẫn còn khá mềm chưa thể chui qua ống sinh dễ dàng. Hầu hết các phát triển thể chất của bé cơ bản đã hoàn tất – chủ yếu là bé sẽ tăng trọng lượng trong vài tuần tới.
Lớp mỡ dưới da tiếp tục phát triển để tạo dựng lên một hình hài hoàn thiện. Da bé bớt đỏ và căng ra giúp cơ thể điều chỉnh nhiệt độ.
Nếu bạn chưa từng nói chuyện với bé thì bắt đầu bây giờ cũng chưa muộn - ở tuần thứ 35 khả năng nghe của bé đã phát triển đầy đủ. Một số bằng chứng cho thấy trẻ mới sinh sẽ chú ý hơn với những âm thanh ở tần số cao. Vậy nên, bạn hãy chăm nói chuyện với bé trong giai đoạn này nhé!
Đừng quá căng thẳng về nguy cơ sinh non nữa nhé. Bởi 99% trẻ sinh ra từ tuần thứ 35 trở đi đều khỏe mạnh và không gặp vấn đề gì lớn. Mặc dù hệ thần kinh trung ương của bé còn đang tiếp tục hoàn thiện nhưng phổi thì đã phát triển đầy đủ, sẵn sàng cho quá trình hít thở không khí thay vì trong môi trường nước ối.
Sự thay đổi trong cơ thể bạn
Khoảng cách từ rốn đến đỉnh tử cung của bạn lúc này khoảng 15cm, từ đỉnh tử cung đến khớp dính là 35cm.
Cảm giác râm ran và tê dần dần ở xương chậu có thể xuất hiện - đó là do áp lực của thai nhi lên các dây thần kinh ở khu vực này. Cảm giác này sẽ giảm dần khi bé chào đời. Hãy thư giãn, nghỉ ngơi và tham gia các lớp học cách mát xa. Nếu cảm thấy ngày càng khó chịu thì cần trao đổi với bác sĩ.
Lúc này bạn sẽ tăng tổng cộng khoảng từ 9 – 13kg. Việc bạn sẽ tăng bao nhiêu cân phụ thuộc vào kích cỡ cơ thể bạn trước khi mang thai, kích cỡ của em bé, và tất nhiên là lượng thức ăn bạn ăn vào trong quá trình mang thai. Có nhiều trường hợp cá biệt, phụ nữ khi mang thai bị giảm cân so với trước đó.
Trong những tuần cuối của giai đoạn thai kỳ này, bạn sẽ gặp hiện tượng sa bụng. Bé chuẩn bị bắt đầu đi sâu xuống dưới khung xương chậu, có thể làm giảm áp lực lên cơ hoành và bạn có thể không còn khó thở nữa nhưng thêm vào đó bạn hay buồn tiểu.
Nên và không nên làm gì trong giai đoạn này
Bạn nên đi khám thai mỗi tuần từ thời điểm này cho đến 37 tuần, bác sĩ sẽ làm xét nghiệm âm đạo và trực tràng để kiểm tra vi khuẩn gọi là liên cầu khuẩn nhóm B (GBS). GBS thường là vô hại ở người lớn, nhưng nếu bạn bị nhiễm nó và truyền qua cho em bé trong khi sinh, có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm màng não...
Nếu bạn đang làm việc xa nhà thì nên xem xét đến việc tạm nghỉ chuẩn bị cho chế độ thai sản. Khoảng thời gian nghỉ ngơi trong những tuần cuối thai kỳ sẽ giúp bạn thư giãn tinh thần và bổ sung những vật dụng cần cho việc sinh nở.
Nếu bạn cảm thấy khó ngủ, ăn không ngon miệng, hãy chia sẻ cảm xúc với bác sĩ hoặc nữ hộ sinh của bạn kịp thời để tránh chứng bệnh trầm cảm sau sinh. Ngoài ra, tham gia tập yoga, thiền định và các bài tập thư giãn khác cũng rất tốt cho bạn.
Điều cần thiết trong tuần thai này là bạn hãy ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý, giữ tinh thần luôn ổn định để sẵn sàng chào đón bé yêu
.
0 nhận xét
Posts a comment