• FEATURED POSTS
  • LATEST POSTS
  • SERVICES

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

Tuần thai thứ 25: Bé đã phân biệt được mùi vị

Ở tuần thai này, túi ối của mẹ ngày càng trở nên chật chội và điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến bé đạp mẹ nhiều hơn.

Sự phát triển của em bé

Vào khoảng thời gian này, bé lên cân khá đều. Cân nặng lúc này khoảng 600 – 700gram, chiều cao từ chân tới đỉnh đầu khoảng 34 – 35cm. Em bé ở giai đoạn này đã nặng và dài hơn trước rất nhiều. Túi ối của mẹ ngày càng trở nên chật chội và điều này cũng là một nguyên nhân khiến bé đạp mẹ nhiều hơn. Ở giai đoạn này em bé đã biết cách phân biệt mùi vị do vị giác đang hình thành.

Làn da của bé đã bắt đầu có dấu hiệu căng lên chứ không còn nhăn nheo như trước đây nữa vì bé đã tăng cân. Trong tuần này, màu tóc của thai nhi cũng được xác định, tuy nhiên, phải đến lúc sinh ra mọi thứ mới thật chính xác.

Trái tim của bé đập mạnh mẽ tới mức nếu ai đó áp tai vào bụng của bạn thì đều có thể nghe thấy. Phổi của bé cũng đã sẵn sàng để có hơi thở đầu tiên. Một mốc đáng nhớ khác của giai đoạn này là bé hoàn toàn có thể sống độc lập mạnh khỏe trong sự chăm sóc đặc biệt nếu vì một lý do nào đó mẹ phải sinh non.





Sự thay đổi trong cơ thể bạn

Kích thước tử cung của bạn bây giờ to bằng một trái bóng. Khi em bé chuyển động trong bụng, bạn có thể cảm nhận rõ rệt những cơn đau dưới xương sườn hoặc dưới ổ bụng. Việc em bé ngày càng tăng kích thước và cân nặng sẽ tạo áp lực dồn lên ruột, bàng quang, trực tràng… khiến bạn vô cùng khó chịu. Để tránh các cơn đau, bạn nên nằm nghiêng về phía bên trái, đây là vị trí lý tưởng cho các bà bầu ở giai đoạn này.

Bạn có thể cảm thấy mệt mỏi, đường kẻ chỉ màu nâu hay đỏ ở bụng, hông và ngực xuất hiện khá rõ. Đây là hiện tượng khá phổ biến ở các bà bầu (khoảng 90% phụ nữ). Sau sinh, những đường rạn này sẽ nhạt màu dần và chuyển sang đồng màu với màu da.

Làn da trở nên ngứa ngáy và trầm trọng hơn nếu bạn tiếp xúc với nắng. Khoảng 20% bà bầu gặp phải hội chứng này. Khoảng 2/3 thai phụ bị đỏ và ngứa gan bàn tay, lòng bàn chân và theo các chuyên gia thì có thể là hormone do oestrogen tiết ra nhiều hơn. Thường thì mọi triệu chứng này sẽ biến mất ngay sau khi sinh nở. Nước nóng cũng làm tình trạng ngứa ngáy thêm tệ.

Mắt bạn trở nên nhạy sáng và có cảm giác sạn hay khô mắt. Đây là một hiện tượng rất bình thường khi mang bầu. Để dễ chịu hơn, bạn nên dùng nước muối sinh lý nhỏ mắt thường xuyên. Một số hiện tượng khác thường gặp ở giai đoạn bầu bí này là đau đầu, chuột rút, đau thắt lưng...

Không chỉ có tóc của bé phát triển mà tóc của bạn cũng có sự thay đổi đáng kể. Dù tóc bạn không mọc nhiều hơn, nhưng do sự thay đổi nội tiết nên việc rụng tóc của bạn chậm hơn bình thường, vì thế tóc bạn trông có vẻ dày và bóng mượt hơn. Hãy tận hưởng cảm giác được sở hữu một mái tóc dày, khoẻ đẹp lúc này vì sau khi sinh tóc bạn sẽ bị rụng đi rất nhiều.




Nên và không nên làm gì trong giai đoạn này?

Để xoa dịu các cơn đau và tê cứng do chuột rút, hãy chuẩn bị sẵn một túi đá lạnh. Để nó lên tay và cổ tay vài lần 1 ngày.

Nếu không có yêu cầu đặc biệt nào của bác sĩ thì bạn cứ hãy duy trì các hoạt động theo các quy tắc an toàn sau: Không làm việc ngoài trời khi bạn cảm thấy quá mệt mỏi và dừng lại ngay lập tức khi bạn cảm thấy đau, chóng mặt, khó thở. Không nên nằm ngửa và tránh các môn thể thao hay các bài tập thể dục mất nhiều sức. Bạn hãy uống nhiều nước, đảm bảo giữ ấm và làm mát trong từng thời kì cần thiết.

Nếu ở tuần thai 24 đến 28, bạn tiến hành kiểm tra lượng đường trong máu thì cũng có thể làm thêm một xét nghiệm nữa để kiểm tra xem bạn có bị thiếu máu hay không và từ đó có chế độ bổ sung sắt phù hợp.

Trong thời gian mang thai, nhu cầu của bạn về vitamin và khoáng chất tăng lên. Sẽ rất tốt nếu bạn có thể đáp ứng cả hai nhu cầu này thông qua ăn uống. Tuy nhiên, thực tế thì điều này khó đối với nhiều phụ nữ. Đó là lý do tại sao bác sỹ lại kê đơn cho bạn uống vitamin để giúp bạn đáp ứng đủ nhu cầu về dinh dưỡng.

Một số phụ nữ còn cần được bổ sung thêm các chất dinh dưỡng trong quá trình mang thai. Nhóm này thường bao gồm phụ nữ bị suy dinh dưỡng trầm trọng, những người ăn uống thiếu chất trước khi thụ thai hoặc những phụ nữ từng sinh đôi, sinh ba trước đó…

0 nhận xét

Posts a comment

 
© 2011 Mẹ và bé | Sức Khỏe mẹ và bé | Chuyện Bầu Bí
Designed by Blog Thiết Kế Share on: Download Blogger Template
Back to top