• FEATURED POSTS
  • LATEST POSTS
  • SERVICES

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

Tuần thai thứ 30: Cần bổ sung nhiều dưỡng chất

Giai đoạn này người mẹ cần rất nhiều protein, vitamin C, axit folic, sắt và canxi (khoảng 200mg cho sự phát triển khung xương của thai nhi).

Sự phát triển của em bé

Não bộ của bé đang “lớn” rất nhanh và kích thước vòng đầu lúc này cũng tăng trưởng không ngừng để đáp ứng.

Nếu là một bé trai, tinh hoàn lúc này đã di chuyển từ gần thận về tới háng. Nếu là một bé gái, âm vật đã “chồi” lên bởi vì 2 môi âm vật chưa đủ lớn để bao phủ. Quá trình này sẽ được hoàn tất một vài tuần trước khi sinh.


Bé lúc này nặng khoảng 1,3 kg và dài khoảng 39,9 cm (tính từ đầu đến chân). Gần như tất cả thai nhi đều phản ứng với âm thanh ở tuần thứ 30 này.

Bé đã có thể quay đầu sang hai bên, tay và chân và thân mình bắt đầu trở nên đầy đặn hơn do chất béo cần thiết tích tụ dưới da. Bé cũng ngọ nguậy nhiều, đạp và lộn nhào khiến mẹ khó ngủ. Hãy tự an ủi mình: tất cả những hoạt động này cho thấy con bạn khỏe mạnh và lanh lợi, bạn sẽ thấy sự khó chịu “dễ chịu” hơn.

Sự thay đổi trong cơ thể bạn

Trọng lượng của em bé quá nặng, cộng thêm tử cung mở rộng, cùng với màng ối, nhau thai, nước ối… khiến cơ thể bạn nặng nề càng khó chịu. Tổng trọng lượng tăng thêm của bạn đến thời điểm này trung bình là 11,4 đến 15,9kg. Khoảng nửa số kilogam này tập trung ở tử cung, bào thai, nhau thai và bọc ối.

Việc tăng trọng lượng và kích thước này hầu hết ở phần trước bụng và xương chậu nên bạn dễ dàng nhận thấy. Khi thời gian mang thai càng dài, bạn có thể càng cảm thấy khó chịu ở khu vực xương chậu và bụng.

Bạn có nhận thấy các cơ tử cung của mình thỉnh thoảng thắt lại? Nhiều phụ nữ cảm thấy sự co bóp này – gọi là các cơn co thắt Braxton Hicks thường xuất hiện vào nửa sau của thai kỳ. Thường những cơn co thắt kéo dài khoảng 30 giây, không đều đặn, chúng sẽ diễn ra không thường xuyên và không gây đau.

Những cơn co thắt thường xuyên – kể cả không đau – là dấu hiệu của sinh non. Hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu bạn bị nhiều hơn 4 cơn co thắt trong 1 giờ hoặc có bất kỳ dấu hiệu nào khác của sinh non như: tiết nhiều dịch âm đạo hoặc thay đổi dạng dịch (trở nên loãng, giống nhầy hay có máu – kể cả nếu nó có màu hồng hay chỉ thoáng có chút máu).



Hình ảnh thai nhi nằm trong khung xương chậu của mẹ.

Bạn sẽ thấy xuất hiện rất nhiều dịch âm đạo có màu ngả vàng, nhiều hơn so với bình thường. Bạn nên chuẩn bị tinh thần bởi vì trong suốt 3 tháng cuối này, dịch âm đạo sẽ tiết ra rất nhiều. Sử dụng băng vệ sinh hàng ngày đồng thời vệ sinh âm đạo thường xuyên (chỉ cần rửa bằng nước) và mặc quần có chất liệu khô thoáng.

Bạn nhận thấy gần đây có sữa non rỉ ra. Trong trường hợp này, hãy nhét vài miếng lót sữa vào trong áo ngực để sữa không bị thấm ra áo. Còn nếu bạn không thấy, chắc chắn không có gì phải lo cả, kể cả không thấy gì thì ngực bạn cũng đang tạo sữa non như vậy. Nếu chiếc áo ngực hiện tại của bạn quá chật, hãy chọn một chiếc áo mới loại dành cho con bú.

Nên và không nên làm gì trong giai đoạn này?

Dưỡng thai đang ở giai đoạn đỉnh cao. Người mẹ cần rất nhiều protein, vitamin C, axit folic, sắt, và canxi (khoảng 200mg cho sự phát triển khung xương của thai nhi) vì vậy cần ăn nhiều các thực phẩm giàu các dưỡng chất này.

Khung xương của bé sẽ ngày càng trở nên cứng cáp hơn, não bộ, các múi cơ và phổi tiếp tục hoàn thiện. Vì thế người mẹ cần chú ý đảm bảo các khoáng chất và vitamin để thai nhi phát triển tối ưu. Thúc đẩy não bộ của bé phát triển bằng cách bổ sung lượng Omega - 3 vào thực đơn hàng ngày của mẹ. Chất này có trong cải bó xôi, các loại đậu, quả hạch và dầu cá, dầu hạt cải, dầu oliu…

Do cảm giác thèm ăn tăng lên nhằm đáp ứng nhu cầu tối đa của thai nhi, vì thế hãy cố gắng hạn chế, đừng ăn nhiều loại bánh kẹo và các thức ăn nhanh, cố gắng tuân thủ chế độ dinh dưỡng phù hợp với giai đoạn thai nghén.



Nếu bạn chưa từng tập luyện gì trong suốt các tháng trước đó thì đây là thời điểm tốt để bạn tập luyện các bài tập thư giãn, làm mềm cơ, hỗ trợ cho quá trình chuyển dạ sắp tới.

Tại sao bạn không thử tham dự lớp yoga đặc biệt dành cho bà bầu? Nó không chỉ giúp bạn luyện thở mà còn giúp làm mềm các cơ, hỗ trợ rất tốt cho quá trình chuyển dạ. Ngoài ra, nó giúp bạn tránh bị căng cơ, chuột rút trong 3 tháng cuối thai kỳ.

Nghiên cứu cho thấy phụ nữ mang thai bị vấn đề về giấc ngủ chủ yếu là trong tam cá nguyệt thứ ba, nguyên nhân chủ yếu bởi vì họ thường xuyên đi tiểu vào ban đêm. Để có thể được nghỉ ngơi nhiều hơn vào ban đêm, bạn hãy uống đủ lượng nước mà bạn cần trước 18h, chỉ cần đảm bảo uống nhiều nước trong ngày.

0 nhận xét

Posts a comment

 
© 2011 Mẹ và bé | Sức Khỏe mẹ và bé | Chuyện Bầu Bí
Designed by Blog Thiết Kế Share on: Download Blogger Template
Back to top