Từ tuần thai này cho tới khi chào đời, bé sẽ lên cân rất nhanh trong khi phát triển chiều cao lại chậm hơn. Lúc này bé “cao” khoảng 41cm và nặng hơn 1.500g. Hai lá phổi và hệ tiêu hoá đã gần như hoàn thiện.
Bé có thể nhắm, mở mắt và nhìn thấy xung quanh, phân biệt được ánh sáng mờ và bị hấp dẫn bởi nguồn sáng. Nếu chiếu ánh sáng vào vùng dạ dày người mẹ, đầu bé sẽ chuyển động về phía có ánh sáng hoặc di chuyển để sờ vào vùng ánh sáng.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng chiếu ánh sáng vào vùng dạ dày người mẹ sẽ giúp thị lực của bé phát triển nhưng dù có thế nào, thị lực của trẻ sơ sinh cũng chỉ có thể nhìn xa 20 - 30cm. Thị lực của bé chỉ phát triển hoàn toàn sau tuổi từ 7 - 9.
Bé có thể quay đầu từ bên này sang bên kia và cơ thể đang bắt đầu tròn hơn. Bé di chuyển rất nhiều, vì vậy bạn sẽ bị khó ngủ bởi những cú đá và nhào lộn liên tục của bé. Hãy thoải mái vì tất cả các chuyển động này là dấu hiệu cho thấy em bé của bạn khỏe mạnh.
Da bé tiếp tục gia tăng lớp mỡ bên dưới. Đây là sự chuẩn bị cho việc bé chào đời và cho bé vẻ bề ngoài giống bé sơ sinh hơn. Làn da cũng chuyển từ đỏ sang hồng và mịn màng hơn. Bây giờ bé đã có thân nhiệt riêng và cơ chế ổn định thân nhiệt đã vận hành khá tốt.
Bé có thể thè lưỡi vài lần trong ngày, đây là hành vi phổ biến của hầu hết các bé ở tầm tuổi này khi ở trong bụng mẹ. Tương tự như vậy, bé có thể nếm được nước ối, mùi vị thức ăn và thức uống mà mẹ nạp vào cơ thể.
Khoảng 1 lít nước ối đang bao bọc quanh bé nhưng thể tích này sẽ giảm dần khi bé ngày 1 lớn hơn và tử cung sẽ ngày một chật chội đối với bé. Bé chuyển động, đạp liên tục để phản ứng với “căn phòng” đang ngày càng thu hẹp này.
Thai phụ lên cân nhanh hơn 1 chút trong tháng này, khoảng 1,4 - 1,8kg; tính trung bình lên 450g/ tuần trong 3 tháng cuối thai kỳ. Nhu cầu dinh dưỡng của bé cũng đạt đỉnh cao trong 3 tháng cuối.
Do thai nhi phát triển nhanh sẽ chèn ép lên nhiều cơ quan trên cơ thể của người mẹ, nhất là cơ hoành, khiến bạn thường xuyên cảm thấy khó thở. Đừng lo lắng khi gặp hiện tượng này, đây không phải là triệu chứng khó thở do thiếu dưỡng khí.
Vào thời điểm khoảng 34 tuần thai (hay trước khi chuyển dạ), đầu của bé sẽ hướng xuống dưới để sẵn sàng "chui ra". Khi đó, việc ăn uống và hít thở sẽ dễ dàng hơn.
Mặt khác, các cơn co thắt thường xuyên - ngay cả ở những người không đau - có thể đó là một dấu hiệu của chuyển dạ sinh non.
Hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu bạn có nhiều hơn bốn cơn co thắt trong một giờ hoặc bất kỳ dấu hiệu khác của sinh non: tăng tiết dịch âm đạo (nếu nó loãng như nước, chất nhầy hoặc có máu - ngay cả khi đó là màu hồng hoặc nhuốm máu.
Nên và không nên làm gì trong giai đoạn này?
Thời điểm này vẫn chưa phải là quá muộn nếu muốn tránh xa khói thuốc lá vì bé sẽ được tăng cường ôxy ngay khi bạn bỏ thuốc. Đồng thời hãy cố gắng khuyến khích những người bạn thường tiếp xúc bỏ thuốc, điều này cũng hữu ích như chính khi thai phụ không hút thuốc lá vậy.
Luyện tập trong giai đoạn này cũng hết sức quan trọng, nhưng cần phải nhẹ nhàng bởi khi áp lực tử cung tăng lên, mọi vận động đều khó khăn hơn. Nhiều bà mẹ cảm thấy rất khó chịu vì em bé chèn lên bàng quang, khiến mẹ buồn đi tiểu.
Giấc ngủ cũng đến khó hơn khi bạn không chọn được tư thế nằm thoải mái và phải thức dậy suốt đêm để đi tiểu. Để ngủ ngon trong 3 tháng cuối thai kỳ thật không đơn giản. Những giấc mơ cũng ảnh hưởng tới giấc ngủ của thai phụ, giúp bạn ngủ ngon hơn hay đột ngột tỉnh giấc.
0 nhận xét
Posts a comment