Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013
Tuần thai thứ 15: Em bé biết cười mỉm trong bụng mẹ
Thời điểm này, bé có thể biểu lộ nhiều cử chỉ buồn cười trên khuôn mặt như nheo mắt, cau mày, thậm chí còn cười mỉm trong bụng mẹ.
Sự phát triển của thai nhi
Bé đang lớn lên từng ngày, không chỉ là sự thay đổi của hình dáng đầu, mí mắt mà là toàn cơ thể. Bé còn mọc rất nhiều lông tơ, bao phủ toàn bộ cơ thể và giúp bảo vệ làn da của bé. Lông tơ thường biến mất trước khi bé chào đời. Nhưng ở một số bé sơ sinh (nhất là bé sinh non), lông tơ có thể còn xuất hiện trên vai, lưng, trán. Khoảng một tuần (hoặc hơn) sau sinh, lớp lông tơ này cũng biến mất. Tóc của bé cũng bắt đầu phát triển và có màu riêng biệt.
Bé bắt đầu có bộ xương cứng, được chuyển từ dạng sụn mà thành. Bé vẫn sẽ tiếp tục hấp thụ canxi. Xương của bé trở nên linh hoạt nhưng vẫn đủ mềm để chui qua âm đạo của mẹ, khi mẹ sinh thường. Xương của bé chỉ đủ độ cứng khi bé bước vào tuổi tập đi. Đôi tai của bé gần như đã ở đúng vị trí. Bé có khả năng quay đầu. Bé còn có thể dùng tay tạo thành nắm đấm hoặc lấy ngón tay chỉ chân mình. Mặc dù những hành động này không có ý thức.
Lúc này, đường kính từ đầu đến mông của em bé là khoảng 93 – 103mm, trọng lượng khoảng 85gram (bằng kích thước của một quả táo). Bé đang bận rộn hút nước ối qua mũi và đường hô hấp trên, giúp các túi khí trong phổi của bé phát triển. Chân của bé phát triển dài hơn cánh tay của mình và đã có thể di chuyển tất cả các khớp xương và tứ chi. Mặc dù mí mắt vẫn còn đóng nhưng bé đã có thể cảm nhận được ánh sáng. Nếu bạn dùng đèn pin chiếu ở bụng, bé có khả năng di chuyển ra khỏi chùm tia sáng. Không có nhiều hương vị cho em bé của bạn vào thời điểm này nhưng em bé đang hình thành vị giác.
Sự thay đổi của bạn
Mẹ bầu có thể trải qua một số bất thường ở trực tràng như có ra máu một chút khi đi đại tiện, đây là triệu chứng của bệnh trĩ. Nguyên nhân là do khi bị chèn ép, trực tràng sẽ bị giãn tĩnh mạch, sau đó bị phình lên và chảy máu. Bệnh trĩ là một lý do khiến bà bầu khó ngủ kèm những cơn đau lưng mỗi đêm.
Tử cung lớn lên chèn ép lên hệ thống ruột của mẹ. Nếu mẹ bầu mắc chứng táo bón, cố gắng tăng cường uống nước cam và ăn rau củ chứa chất xơ.
Bạn có thể bị “viêm mũi thai kì”, nếu bạn có các triệu chứng như tắc, ngạt mũi. Đây là kết quả của những thay đổi về nội tiết và sự tăng lên của lưu lượng máu trên màng nhầy của mũi. Nhiều thai phụ còn bị chứng chảy máu mũi, do lưu lượng máu ở mũi tăng lên làm cho các mạch máu ở mũi mở rộng ra.
Nên và không nên làm gì trong giai đoạn này?
Hãy chuyển tư thế ngủ trong giai đoạn này. Do càng ngày bụng của bạn càng to ra trong suốt quá trình mang thai nên việc tìm được một tư thế ngủ thoải mái trở nên khó khăn hơn. Một số người thậm chí sẽ cảm thấy khó thở khi nằm ngủ. Trong khi đó nằm sấp sẽ tạo áp lực mạnh đối với em bé đang lớn. Đó chính là một nguyên nhân để bạn có thể làm quen với cách nằm nghiêng từ bây giờ. Khi thai lớn, bạn có thể sử dụng một vài chiếc gối mềm và nhỏ để nâng đỡ toàn bộ cơ thể. Có thể kê gối sau lưng hay giữa hai đầu gối để thoải mái và ít căng bụng.
Về chế độ dinh dưỡng, những bữa ăn với nhiều thực phẩm giàu chất xơ và phô mai sẽ tăng lượng chất mà bé cần, đồng thời xây dựng hệ thống tiêu hóa của bé hoàn thiện hơn. Mẹ cần khoảng 300 calo mỗi ngày. Tăng cường rau củ trong khẩu phần ăn các mẹ nhé. Tự thưởng cho mình vài món tráng miệng nhưng hãy chắc chắn là ăn chúng ít nhất vài giờ trước khi đi ngủ bởi chứng ợ nóng sẽ khiến các mẹ khó có một giấc ngủ ngon.
Đây là khoảng thời gian bạn cần đầu tư nghiên cứu các loại sách chăm sóc sức khỏe thai sản và cho trẻ sơ sinh. Bởi vì cơ thể của bạn ngả về phía sau nên dây chằng giãn đi khiến bạn dễ bị đau lưng.
Bạn nên nói chuyện với bé trong bụng. Đây là một cách tuyệt vời để kết nối tình cảm giữa bạn và con. Nếu bạn không quen với việc nói chuyện trực tiếp, bạn hãy thử giao tiếp với con bằng các hoạt động bình thường bạn hay làm như: đọc một cuốn sách, tạp chí, báo hoặc chia sẻ với con những mong muốn thầm kín của bạn. Nói chuyện với bé ngay từ khi trong bụng mẹ là một trong những cách tốt nhất để phát triển kĩ năng ngôn ngữ của con bạn sau này.
Thăm khám y tế
Bác sỹ bắt đầu đo chiều cao tử cung và vòng bụng của bạn vào từng thời điểm trước khi sinh. Chiều cao này tùy thuộc vào vị trí của đứa trẻ trong bụng. Chiều cao tử cung dài thì có thể bé ở tư thế đứng trong khi chiều cao tử cung ngắn thì có thể bé ở tư thế nằm ngang. Siêu âm hay khám vùng chậu có thể xác định các trường hợp này. Bạn có thể thay đổi khám ở nhiều cơ sở y tế nhưng lưu ý rằng nếu không được cùng một người đo, kết quả biểu đồ về chiều cao tử cung, thước đo phát triển của bé sẽ không chính xác.
Thời điểm này bạn có thể thực hiện xét nghiệm Alpha-fetoprotein. Nó được tiến hành trong khoảnh tuần thứ 15 và 18 của thời kỳ thai nghén. Thời gian kéo dài xét nghiệm rất quan trọng và phải tương quan với giai đoạn thai nghén cũng như cân nặng của bạn. Lượng Alpha-fetoprotein gia tăng có thể biểu hiện một số vấn đề của thai nhi, chẳng hạn như tật nứt đốt sống (vấn đề về dây đốt sống) hoặc quái thai không não (một dị tật nghiêm trọng về dây thần kinh trung ương). Nếu như lượng Alpha-fetoprotein bình thường, các bác sỹ thường yêu cầu xét nghiệm thật cẩn thận để nhận diện tật nứt đốt sống, không não.
Ngoài ra bạn còn có thể được chỉ định xét nghiệm chọc dò ối. Nó thường được thực hiện giữa tuần thứ 15 đến tuần thứ 21. Với tỉ lệ chính xác khá cao (lên tới 99%), chọc nước ối có thể phát hiện hội chứng Down, rối loạn nhiễm sắc thể, bệnh di truyền gồm cả bệnh Tay-Sachs, xơ nang... Chọc dò ối thường được chỉ định cho thai phụ trên 35 tuổi vì đó là độ tuổi có nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể cao. Tuy nhiên, nhóm thai phụ bị nghi ngờ sinh con dị tật cũng được chỉ định chọc dò ối. Nhiều thai phụ sợ chọc nước ối vì quá trình thực hiện phải thông qua một cây kim lớn, thọc vào bụng bầu. Thai phụ sợ bị đau hoặc đầu kim sẽ gây hại cho bé hay những biến chứng trong thai kỳ. Hầu hết những nỗi sợ này là vô căn cứ. Tuy nhiên, thống kê cho thấy, nguy cơ sảy thai sau khi chọc nước ối là có nhưng khá thấp. Bác sĩ sẽ là người chỉ định việc chọc dò ối khi chắc chắn rằng, đó là điều cần thiết.
Mua sắm
Nếu kích cỡ áo ngực không còn vừa vặn, bạn có thể cần phải đầu tư vào loại đặc biệt dành cho phụ nữ mang thai. Áo ngực thai sản sẽ giúp bạn thoải mái với dây đai rộng và được làm bằng chất liệu không kích thích núm vú của bạn đang trong giai đoạn nhạy cảm.
Tập thể dục
Nên tập vài bài tập thể dục nhẹ nhàng. Nếu bị chuột rút, bạn có thể nhờ chồng xoa bóp hoặc dùng một miếng chườm nóng (lạnh) đắp lên chỗ co rút. Nên kê thêm gối và gác chân cao lên khi ngủ để hạn chế chứng chuột rút này. Bơi lội là môn thể thao lý tưởng cho mẹ bầu ở giai đoạn này, nó giúp bạn giảm thiểu các triệu chứng khó chịu trong thai kỳ.
Không phải là quá muộn để các mẹ đăng ký một lớp yoga trước sinh, một chế độ nhẹ nhàng kết hợp với vận động thể dục được thiết kế đặc biệt cho cơ thể đang thay đổi của bạn với các kỹ thuật thở. Ở đây, bạn cũng có cơ hội gặp gỡ thêm các mẹ bầu khác để cùng chia sẻ và trao đổi những trải nghiệm cũng như kinh nghiệm.
Mối quan hệ với chồng
Bây giờ cơ thể bé là một khối đồng nhất, đã đến lúc vợ chồng cùng thảo luận và đi đến quyết định một cái tên đáng yêu nhất cho bé. Để làm quen dần với tư thế nằm nghiêng, bạn có thể nhờ chồng hỗ trợ, giúp bạn điều chỉnh gối để cảm thấy dễ chịu. Nếu được thì hãy nhờ anh ấy massage chân và lưng trước khi đi ngủ để vợ thư giãn và ngủ ngon hơn.
Ham muốn tình dục của bạn có thể đã trở lại trong giai đoạn này do những triệu chứng buồn nôn và mệt mỏi do tam cá nguyệt đầu tiên qua đi. Hãy tận dụng lợi thế đó vì nó có thể biến mất khi tam cá nguyệt thứ ba bắt đầu. Nhưng tránh tư thế truyền thống vì nằm ngửa lúc này không phải là ý tưởng tốt vì nó có thể gây áp lực quá nhiều vào các tĩnh mạch cung cấp oxy cho em bé.
0 nhận xét
Posts a comment