• FEATURED POSTS
  • LATEST POSTS
  • SERVICES

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

Tuần thai 34: Bé đã biết "nhào lộn"


Mang thai đến giai đoạn này, bé đã dài khoảng 50cm và xoay vòng luân phiên trong bụng mẹ sẵn sàng tư thế cho việc chào đời.

Sự phát triển của bé

Quá trình tăng trưởng của thai nhi tiếp tục đạt đỉnh cao: vào cuối tuần này, bé có thể sẽ dài tới 45cm (tính từ đầu tới chân), nặng khoảng 2,1 - 2,2 kg.

Vào lúc này, bé đã ở tư thế “trồng cây chuối” (đầu bé đã chúc xuống dưới) sẵn sàng để chui ra ngoài. Tuy nhiên bé cũng có thể quay 180 độ bất cứ lúc nào trong những tuần sắp tới.




Trong những tháng cuối thai kỳ, nếu bạn cảm nhận được những lần đạp của bé lên cơ thể mình, bạn sẽ thấy, có lẽ đầu bé đã hướng xuống phía dưới nhưng vẫn chưa vào hẳn xương chậu để sẵn sàng cho lúc chào đời. Nếu bạn cảm thấy bé đạp thấp hơn nhiều so với bụng và xương chậu thì có thể bé đã nằm ngược, nhưng bạn yên tâm, bé sẽ quay đầu lại trước khi chào đời.

Sọ não của thai nhi vẫn chưa có sự gắn kết, các mảnh xương sọ vẫn rời nhau để bé có thể “lọt” qua cổ tử cung chật hẹp. Nhưng các phần xương khác trong cơ thể đang ngày càng cứng cáp.

Trong những tuần cuối này, thai nhi tiếp tục phát triển, bé trông bụ bẫm hơn nhờ các mô mỡ. Làn da của bé cũng bớt đỏ và ít nhăn nheo hơn. Điều quan trọng của sự phối hợp các cơ quan chức năng trong cơ thể thai nhi là điều hòa nhiệt độ, giúp thai nhi thích nghi với nhiệt độ môi trường khi sinh ra. Một điểm nổi bật khác là bé đã có hệ thống miễn dịch riêng của mình.





Ở thời điểm này, em bé đã có hệ thống miễn dịch

Bây giờ bé đã có thể biết mỉm cười, tuy nhiên trạng thái cảm xúc này chỉ diễn ra khi bé còn trong bụng mẹ và sẽ dừng lại trong quá trính bé chào đời. Nó chỉ xuất hiện lại ít nhất từ 4 - 6 tuần sau khi sinh.

Khi bức tường tử cung và bụng căng ra và mỏng dần, bé có thể phân biệt được ngày và đêm để có chu kỳ hoạt động thích hợp, mắt bé lúc này có khả năng mở và nhắm để thích nghi với từng thời điểm.




Sự thay đổi trong cơ thể bạn

Nếu đây là lần đầu bạn mang thai, đầu của bé có thể đã lọt xuống hố chậu và thúc vào tử cung. Nếu là lần mang thai tiếp theo thì điều này có thể chỉ xảy ra 1 tuần trước khi chuyển dạ hoặc cho tới khi bắt đầu chuyển dạ.




Bạn lưu ý rằng chân, tay, mặt và mắt cá chân có thể hơi phù nề. Đây là tình trạng giữ nước của cơ thể và nó thường sẽ tồi tệ hơn khi thời tiết ấm và vào cuối ngày. Nguyên nhân là do giai đoạn cuối thai kỳ là thời điểm cơ thể giữ nước.

Đến cuối tuần này, một cảm giác khó chịu nữa có thể phát sinh do sức ép ngày càng lớn của thai nhi. Một số phụ nữ cảm thấy như bị kim châm. Biểu hiện cụ thể của cảm giác này là ngứa râm ran, bị ép hoặc tê ở xương chậu hay khoang chậu do áp lực từ thai nhi gây nên. Đây là triệu chứng bình thường và bạn không nên lo lắng về nó.

Nên và không nên làm gì trong giai đoạn này?

Rốn của bà bầu lúc này nhô hẳn lên phía trên, đôi khi bạn sẽ cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu, vì thế, nên che chắn hoặc băng phần rốn bị nhô lên.

Để giảm phù nề, các bác sỹ khuyên bà bầu cần uống nước thường xuyên và đều đặn, không những tốt cho nước ối, thai nhi, mà người mẹ cũng bớt cảm thấy khó chịu hơn.

Để ngăn ngừa hiện tượng giữ nước của cơ thể, các bà bầu hãy ăn nhiều tỏi, hành tây và mùi tây – tuy nghe có vẻ kỳ lạ nhưng những loại củ, quả nhiều mùi này lại rất có tác dụng. Tuy nhiên, nếu thấy tay hay mặt phù, sưng húp thì nên gọi cho bác sĩ ngay vì đây có thể là dấu hiệu của tiền sản giật.




Không cần thiết phải kiểm tra hàm lượng cholesterol trong thời gian này vì đây là thời điểm có những thay đổi về hooc mon làm hàm lượng cholesterol trong máu tăng. Bạn có thể đợi đến sau sinh hoặc thời kì cho con bú để đi kiểm tra.

Nếu mẹ bầu thèm ăn vặt, hãy chọn những món giàu đạm, chất xơ, canxi, sắt, vitamin B và C như khoai tây nướng, súp lơ… Hãy dự trữ một ít những món đồ ăn vặt này trong tủ lạnh, khi nào cảm thấy đói thì hâm nóng chúng lên và bạn có thể ăn ngay.

0 nhận xét

Posts a comment

 
© 2011 Mẹ và bé | Sức Khỏe mẹ và bé | Chuyện Bầu Bí
Designed by Blog Thiết Kế Share on: Download Blogger Template
Back to top