• FEATURED POSTS
  • LATEST POSTS
  • SERVICES

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Tuần thai thứ 22: Hãy siêng nói chuyện với bé!


Điều đặc biệt quan trọng ở tuần thai này là các tế bào thần kinh của bé đã phát triển đầy đủ và bé có thể nghe thấy tất cả mọi thứ xung quanh.

Sự phát triển của em bé

Từ từ và đều đặn, em bé của bạn đang ngày một phát triển mạnh mẽ hơn. Thai nhi lúc này nặng khoảng 360 - 430gram, độ dài từ đỉnh đầu đến gót chân xấp xỉ 27 – 28cm.

Tất cả các cơ quan đã hình thành và bây giờ bé giống như một đứa trẻ thực sự rồi nhưng vẫn còn rất nhỏ. Phần lớn sự phát triển tiếp tục diễn ra mạnh mẽ kể từ tuần thứ 18 trở đi. Da của bé xuất hiện nhiều nếp nhăn bởi vì bé chưa đủ trọng lượng để làm căng da. Bao phủ xung quanh cơ thể bé bây giờ là một lớp lông tơ hay còn gọi là lông măng. Nhiệm vụ của lớp lông này là giúp điều hòa cơ thể, bảo vệ các tế bào da bề mặt bên ngoài.

Đôi môi bé đã hoạt động và bắt đầu cảm nhận. Mắt bé hình thành dáng từ lâu nhưng con ngươi thì vẫn còn thiếu sắc tố. Mí mắt, lông mày hoàn thiện dần. Lá lách đang tiếp tục phát triển.
Trong năm giác quan, cảm ứng là một trong những giác quan đầu tiên phát triển trong bụng mẹ. Em bé bắt đầu phản ứng với thế giới một cách có chủ đích hơn ở thời điểm này. Chúng được thực hiện tốt nhờ các dây thần kinh đã kết nối chặt chẽ với nhau thành một khối thống nhất. Các cử động chủ yếu của thai nhi bao gồm chuyển động, uốn mình, đạp, quẫy… Đây là các động tác tập của bé, nhằm chuyển động thuần thục hơn khi chào đời và giúp hệ xương cơ phát triển. Đôi khi các cử động quá mạnh có thể khiến bạn cảm thấy đau vùng bụng. Điều đặc biệt quan trọng ở thời điểm này là các tế bào thần kinh của bé đã phát triển đầy đủ và bé có thể nghe thấy tất cả mọi thứ xung quanh. Vì thế bạn hãy cố gắng trò chuyện với bé nhiều hơn nhé!




Sự thay đổi trong cơ thể bạn


Thật khó để có được vẻ nhanh nhẹn, tháo vát lúc này khi thai ngày một lớn. Vì thế đừng ngạc nhiên nếu bạn ngày càng trở nên vụng về. Cơ thể bạn đang phải tải thêm trọng lượng, trọng lực đang tăng lên cùng với sự mở rộng của tử cung, các ngón tay, ngón chân và các khớp trở nên lỏng lẻo hơn do sự tác động của các hormone thai kỳ.

Bạn có thể cảm thấy thai nhi đang ngày một lớn lên và chiếc bụng của bạn có thể cao lên khoảng 1,5cm. Đây là tuần được xem như là thời kỳ dễ chịu nhất trong suốt thai kỳ.

Tuần này cũng nảy sinh lo lắng về việc sinh non, đặc biệt là những người đang có triệu chứng đau vùng bụng ngày một trầm trọng. Những bà bầu đau lưng, đau vùng xương chậu hoặc cảm thấy bị chuột rút và những cơn co bóp tử cung cũng không loại trừ trường hợp sinh non. Nhưng hầu hết các triệu chứng trên là bình thường. Tuy nhiên, khi nó diễn ra thường xuyên và cơn đau ngày một trầm trọng thì đó là dấu hiệu nguy hiểm bạn cần tới bác sỹ hoặc bệnh viện ngay.

Nên và không nên làm gì trong giai đoạn này?

Trong tuần này hiện tượng chảy máu chân răng hoặc máu cam có thể sẽ làm phiền bạn. Điều này hoàn toàn bình thường trong thai kỳ. Đây là những ảnh hưởng phụ của quá trình thai nghén. Các hormone đẩy mạnh và duy trì sự phát triển của thai nhi đã gây ra điều này. Lượng máu trong cơ thể tăng dần và sự ảnh hưởng của các hormone đối với màng nhầy ở mũi và nướu lợi đã khiến các mao mạch ở mũi, lợi dễ vỡ. Bạn chỉ cần chú ý bổ sung vitamin C trong khẩu phần ăn để làm giảm tình trạng này. Bạn cũng nên đến gặp bác sĩ nha khoa để kiểm tra răng miệng xem có vấn đề nào khác gây ra tình trạng chảy máu hay không.
Giai đoạn này bé đã có thể nghe thấy tất cả những gì bạn nói, vì thế hãy dành thời gian nói chuyện với bé nhiều hơn, hát hay đọc truyện cho bé nghe. Một số nghiên cứu cho thấy một đứa trẻ mới sinh sẽ trở nên hoạt bát hơn nếu thường xuyên được mẹ đọc sách cho nghe từ lúc còn ở trong bụng. Bạn cũng có thể lựa chọn những bản nhạc cổ điển, xem những gì bạn yêu thích hay đơn thuần chỉ là đọc một số cuốn sách nào đó, tức là bất cứ thứ gì làm bạn hứng thú. Hãy đọc to lên chứ không phải là đọc thầm để bé có thể nghe thấy nhé!

0 nhận xét

Posts a comment

 
© 2011 Mẹ và bé | Sức Khỏe mẹ và bé | Chuyện Bầu Bí
Designed by Blog Thiết Kế Share on: Download Blogger Template
Back to top